Tìm kiếm kho báu Kho vàng của tướng Yamashita Tomoyuki tại Philippines

Giai đoạn cuối 1945 - 1965

Hoa Kỳ không thể dùng cực hình tra tấn Yamashita để lấy thông tin về những kho vàng vì họ sợ làm như vậy sẽ tạo chứng cứ cho luật sư của ông phản kháng. Do đó, người trở thành mục tiêu số một để moi tin là thiếu tá Kojima Kashii - tài xế của tướng Yamashita, người đã lái xe đưa Yamashita đến hầu hết các nơi cất giấu kho báu. Kojima bắt đầu phục vụ tướng Yamashita khi ông đến Mãn Châu (Trung Quốc) tháng 10 năm 1944, thay tướng Korudda Shigenori, nhận nhiệm vụ phòng thủ Philippines.

Phụ trách tra tấn, lấy cung Kojima là sĩ quan tình báo Mỹ gốc Philippines tên Severino Garcia Diaz Santa Romana, thường gọi là Santy. Giám sát thẩm vấn là đại úy Edward Lansdale của OSS - tiền thân của CIA. Tháng 10 năm 1945, sau nhiều ngày bị tra tấn, thiếu tá Kojima khai ra những gì mình biết. Lansdale bố trí một đoàn xe quân sự, cùng với Santy bắt Kojima đưa đến tất cả những nơi tướng Yamashita đã đến. Hơn một chục kho báu của chiến dịch Hoa Huệ Vàng bị phát hiện, đa số nằm ở thung lũng trong rặng núi phía bắc Manila, trong khu tam giác từ Baguio ở phía tây đến Bambang ở giữa và Aparri, Cagayan.

Tháng 10 năm 1945, bí mật về kho báu Nhật được đệ trình lên tư lệnh quân Mỹ ở Philippines - tướng Douglas MacArthur. Thông tin được truyền đến Harry Truman và vị tổng thống Mỹ quyết định giữ bí mật. Chỉ vài tuần sau, binh lính của Santy với sự trợ giúp của các công ty quốc phòng Mỹ đã nhanh chóng khai quật thành công nhiều kho báu toàn vàng. Một số kho báu khác thì phải tốn thời gian vài tháng. Để hoàn tất việc khai quật những nơi Kojima khai, người Mỹ tốn tổng cộng 2 năm, từ cuối 1945 đến 1947.

Thành công trong việc truy lùng kho báu đã biến Santy thành huyền thoại của CIA, khi những năm giữa thế kỷ 20 ông đã nắm trong tay nhiều tài khoản, nhiều quỹ và dự án với số tài sản lên đến cả trăm tỉ USD. Cho đến khi Ferdinand Marcos bước vào chính trường, trở thành tổng thống Philippines vào năm 1965. Khi ấy, nhà độc tài nhiều tham vọng Philippines đã tìm cách hất cẳng Santy, trở thành người thao túng tài chính các hoạt động ngầm của CIA theo phương châm trao đổi: Tôi giữ của cho anh (CIA), anh giữ ghế cho tôi. Điều kiện này đã giúp Ferdinand Marcos làm tổng thống Philippines trong suốt 21 năm liền, bất chấp luật lệ chỉ cho phép tại vị 2 nhiệm kỳ.[2]

Cuối thập niên 1950, nhiều người Nhật âm thầm trở lại Philippines tìm cách hợp tác làm ăn, song thực chất là săn lùng số kho báu giấu lại ở Đệ nhị thế chiến. Nhật Bản cũng đề nghị sẵn sàng giúp Philippines “hàn gắn vết thương chiến tranh” bằng những dự án hạ tầng miễn phí, bao gồm đầu tư cho hệ thống thủy lợi, đường sá, làm đường hầm xuyên núi. Các công ty cứu hộ Nhật xin được nạo vét, khơi thông dòng chảy cho vịnh Manila bằng cách trục vớt tàu đắm ở đây. Bằng cách này, họ đã vớt được nhiều xác tàu bên trong chứa của cải quân Nhật chuyên chở trước khi chìm xuống biển. Nhiều công ty xây dựng của Nhật cũng sang Philippines, làm những dự án ở các vị trí “nghi có vàng” trên khắp Philippines. Họ thuê công nhân Philippines làm việc trên những dây chuyền sản xuất ti vi, cassette, máy tính, tủ lạnh hay máy lạnh... ra sản phẩm, tất cả được đóng thùng chuyển sang Nhật. Trong đó, có nhiều thùng hàng được ghi nhận là “rất nặng”. CIA có những thông tin cho biết người Nhật đã tìm lại được không ít vàng cất giấu thời Đệ nhị thế chiến và chuyển về chính quốc bằng cách này, song CIA đã không can thiệp.[3]

Giai đoạn 1965 - 1986

Khi đắc cử tổng thống năm 1965, Ferdinand Marcos trực tiếp tiến hành tìm kiếm kho báu. Đầu tiên, ông hợp tác với trùm thế giới ngầm Sasakawa Ryoichi để cùng tìm kiếm và chia phần. Sasakawa Ryoichi là bạn của Kodama - được Nhật hoàng huy động trong chiến dịch Hoa Huệ Vàng, cướp bóc tài sản của 12 quốc gia thời chiến tranh, đặc biệt là Trung Quốc. Do đó, Sasakawa Ryoichi biết chỗ giấu vàng, còn Ferdinand Marcos trao cho Sasakawa Ryoichi quyền tìm kiếm. Nhưng kho vàng thực sự khiến Ferdinand Marcos nổi tiếng cả thế giới không đến từ sự hợp tác này, mà từ một anh thợ khóa Rogelio Roxas.[3]

Sau khi Santy chết, Tổng thống Ferdinand Marcos đã trở nên người giàu nhất châu Á với số tài sản ước chừng, theo tướng John Singlaub - người nắm toàn bộ quá trình truy tìm kho báu của Santy, thì tài sản Marcos khoảng 12 tỉ USD ở thời điểm năm 1974. Năm 1986, Ferdinand Marcos bị chính quyền Ronald Reagan phế truất sau khi ông có những bước đi, theo CIA đánh giá là “quá giới hạn cho phép”. Các cuộc tìm kiếm kho báu vẫn tiếp tục là một ngành công nghiệp lớn ở Philippines trong suốt nhiều năm sau [4]